Thời kỳ đầu Cử (nước)

Giản đồ các nước lớn thời Xuân Thu
  Cử (莒)
  Đất do thiên tử nhà Chu cai quản

Từ năm 720 đến năm 673 TCN là thời kỳ đầu trong lịch sử nước Cử. Ban đầu, cương vực nước Cử dường như đã được mở rộng so với lúc phong quốc. Ở phía nam thì đánh nước Hướng (nay cách 70 phía nam huyện Cử), giao chiến với nước Kỷ (杞) của họ Tự và nước Chu (邾) của họ Tào. Kỷ là một nước cũ, trong các bản khắc từ thời nhà Thương đã xuất hiện dạng chữ "Kỷ hầu". Chu Vũ Vương sau khi phạt Trụ đã phong cho hậu duệ của nhà HạLâu công nước Kỷ, quốc đô ban đầu đặt ở huyện Kỷ của tỉnh Hà Nam hiện nay, trước thời Xuân Thu không rõ vì sao lại đông thiên. Đầu tiên, nước Kỷ di chuyển đến khu vực thuộc Tân Thái ngày nay, sau dó lại di chuyển đến Thuần Vu (淳于)[chú 1] Đất của nước Kỷ ở phía đông đến Chư Thành ngày nay, tây đến An Khâu ngày nay, tức nằm ngay ở phía bắc nước Cử. Cử có tham vọng mở rộng đất đai nên đã tiến về phía nam diệt nước Hướng (向), song không thể diệt được nước Kỷ ở phía bắc, do đó quay sang dùng cách lấn chiếm dần dần, trước tiên chiếm lĩnh một ấp. Quân chủ của Kỷ vốn là hậu duệ của nhà Hạ, song đất Kỷ nay lại là đất cũ của Đông Di, sử dụng lễ của Di, vì thế bị các nước lân cận như Tề, Lỗ khinh miệt, không thèm quan hệ.

Vùng đất phía tây của nước Cử tiếp giáp với đất của nước Lỗ, phía tây bắc nước Cử tiếp giáp với đất của hai nước nước Châu (州) của họ Khương và nước Kỷ (紀) của họ Khương. Nước Châu là một nước nhỏ, quân chủ mang họ Khương, nhanh chóng bị Tề tiêu diệt. Nước Kỷ của họ Khương điều đình quan hệ với nước Lỗ và nước Cử, cùng Cử hội minh tại đất "Mật". Năm 715 TCN, nước Lỗ và nước Cử kết minh tại "Phù Lai". Có thể thấy Cử duy trì quan hệ hữu hảo với các nước lân cận phía tây và tây bắc. Tuy nhiên, sau khi Tề Hoàn công kế vị, nước Tề xưng bá, cục diện giữa các nước chư hầu thay đổi.

Cuối năm 686 TCN, Tề Tương công bị Công Tôn Vô Tri sát hại, Khương Tiểu Bạch (em của Tương công) được Bảo Thúc Nha phò tá bỏ chạy sang nước Cử tị nạn. Sau khi Công Tôn Vô Tri bị giết, Khương Tiểu Bạch về nước nối ngôi, tức Tề Hoàn công. Tuy vậy, không lâu sau, nước Tề khuếch trương sang phía đông, đầu tiên xâm lược nước Kỷ (杞) của họ Tự và nước Kỷ (紀) của họ Khương, cũng định "phạt Cử". Nước Cử thấy tình thế như vậy, về sau không còn phát triển về phía Bắc nữa mà chuyển sang hai hướng tây và nam, bắt đầu phát sinh tranh chấp với nước Lỗ và nước Tằng (鄫).[chú 2]

Đương thời, ngoài nước Tề và nước Lỗ, Cử cũng là một nước lớn ở phía đông, quý tộc và quốc quân của các nước phụ cận khi bị thất sủng hay mất nước đều đào thoát đến Cử. Thời điểm đó, trong số các quý tộc ngoại quốc, ngoài công tử Tiểu Bạch ra còn có Đàm Quân (譚君), Khánh Phụ (慶父). Do người nước Lỗ hứa đem của cải sang cho Cử để Cử giao Khánh Phụ, song sau đó lại thất hứa không đưa, giữa Lỗ và Cử đã vài lần phát sinh chiến tranh, nước Cử bị đánh bại, nước Lỗ cũng cảnh giác, bố trí phòng thủ chống Cử.

Trong thời kỳ nhà Chu suy yếu, Tề Hoàn công vẫn chủ trương "tôn Vương nhương Di" (尊王攘夷), lãnh đạo một vài hội minh, Cử vì là nước Đông Di nên không được tham gia. Sau này, khi Tống Tương công muốn làm bá trong các nước chư hầu, cũng đã lãnh đạo một vài hội minh, song Cử cũng không được tham gia.